Skip to main content

Phòng tránh sốc nhiệt vào mùa nắng nóng

     Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng quá mức, thường trên 40 độ, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến con người không kịp thích nghi gây ra tình trạng sốc, chúng ta thường gọi là say nắng.

     Sốc nhiệt là hậu quả của quá trình tăng thân nhiệt sau một thời gian cơ thể phải hứng chịu nắng nóng kéo dài, cơ thể không kịp thích nghi gây mất nước, làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Khi bị sốc nhiệt, cơ thể giảm khả năng thanh thải nhiệt, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong.

1

   

     * Các biện pháp bảo vệ phòng tránh sốc nhiệt trong trời nắng nóng

     1. Luôn che chắn khi ở ngoài trời: phải sử dụng đầy đủ nón hoặc mũ rộng vành, quần áo chống nắng và kính mát để có thể che chắn và giảm tác động của nhiệt.

     2. Duy trì độ ẩm cơ thể: Uống đủ nước, tránh mất nước và muối khi phải làm việc hoặc đi ngoài trời nắng nóng. Cơ thể thường mất nhiều nước và điện giải do nhiệt vào mùa hè. Để sẵn một ít muối, đường,  nước bên cạnh bổ sung chúng bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Điều này sẽ giúp duy trì cân bằng nước và điện giải suốt ngày.

     3. Tăng cường ăn thêm các loại trái cây, rau củ để nâng cao sức đề kháng và duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh: Thường xuyên thực hiện ăn chín, uống sôi; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; Tăng cường ăn thêm các loại trái cây, rau củ nhiều nước để cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết.

    4. Không để nhiệt độ máy lạnh quá thấp để phòng tránh sốc nhiệt khi ra môi trường bên ngoài: Trước khi ra ngoài, nên tắt máy lạnh trước 30 phút để cơ thể kịp thích ứng, tránh sốc nhiệt máy lạnh; Sau khi sử dụng máy lạnh, cần tắt máy lạnh và mở cửa để không khí lưu thông.

     * Một số bước sơ cứu đối với người bị sốc nhiệt

     - Người bị say nắng, sốc nhiệt thường có các biểu hiện như: choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Khi phát hiện người bị say nắng, phải lập tức đưa đến nơi thoáng mát.

     - Giúp người bệnh cởi bớt quần áo và cho họ uống nước có pha muối: nước chanh hoặc nước bột sắn dây…

     - Chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn và lưng. Đây là nơi có rất nhiều mạch máu gần với da nên việc làm mát ở những khu vực này có thể làm giảm nhanh nhiệt độ của cơ thể.

     - Nếu thấy bệnh nhân có những triệu chứng nặng như: buồn nôn, sốt cao hay hôn mê thì cần phải chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

            BBT Trang TTĐT phường Mỹ Quý