Tuyên truyền 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023)
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để công tác thi đua, khen thưởng là động lực, biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc; là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt thể hiện sự rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới.
Trong quan điểm về thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Thi đua yêu nước là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể.
Thi đua yêu nước phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của nhân dân thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Để làm được điều đó, các phong trào thi đua yêu nước cần được tổ chức đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.
Trong tư tưởng của mình, Người chỉ rõ “thi đua chứ không phải ganh đua”, vì vậy cần đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. Đặc biệt, thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng, khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.
Chặng đường lịch sử 76 năm, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Các phong trào thi đua đã động viên các tầng lớp Nhân dân vượt qua gian nan, thử thách và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 76 năm qua đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp Nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.
BBT Trang TTĐT phường Mỹ Quý