Skip to main content

TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/6)

     Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của nhiều ban ngành, nhiều tổ chức xã hội và là trách nhiệm của mỗi công dân. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu, như: yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

 

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Theo Người: “Một gia đình mới, một gia đình tốt là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn trong công việc cùng nhau, nam nữ bình đẳng. Phải đề cao và tôn trọng người phụ nữ”.

     Với ý nghĩa vô cùng quan trọng đó, ngày 4 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày tôn vinh truyền thống gia đình, ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, hướng về gia đình, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

     Ngày nay, gia đình Việt Nam đang được xây dựng với những giá trị nhân văn tiến bộ theo tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong công việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao.  Để gia đình trở thành bến đỗ bình yên hạnh phúc, là nơi duy trì được bản sắc văn hoá truyền thống của mỗi gia đình và của xã hội, đồng thời tiếp thu được cái hay, cái mới, vậy nên các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, phải dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

 

     Vì một gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, chúng ta hãy chung tay giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp trong gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình, xây dựng mỗi gia đình là một tế bào lành mạnh của xã hội./.

BBT Trang TTĐT phường Mỹ Quý